CẢM HỨNG THƯ PHÁP

CHO NHỮNG GIỜ HỌC TIẾNG TRUNG


Không ít các bạn sinh viên, lần đầu tiếp cận tiếng Trung đều trở nên bối rối khi nhìn những nét ngang, dọc, câu, móc…. và cố "vẽ" sao cho đạt yêu cầu….

Nhưng thật nản là không làm được, trong khi thời lượng của bài giảng trên lớp cứ cuốn đi, cách thức viết chữ cũng chỉ được các thầy cô giảng một cách đại lược, về nét, về thứ tự nét, về kết cấu chỉnh thể mà ít khi có thời gian bàn về thẩm mỹ của chữ…

Vậy thẩm mỹ chữ Hán ở đâu?

1.     Về hình khối

Chữ Hán được các nhà ngôn ngữ thế giới gọi là chữ khối vuông, tức là các nét trong mỗi âm tiết của chữ Hán được dồn vào 1 ô vuông.

Trong ô vuông đó có thể chỉ 1 nét (chữ Yi 一) hay vô cùng nhiều nét (trên 32 nét (chữ Luan 鸞). Khi đó, hình khối của chữ được căn cứ vào mật độ phân bố nét, độ dài ngắn của các nét được co kéo sao cho tổng thể tạo được sự cân xứng bên ngoài, có trọng tâm.


2.     Về ý chí, tài năng

Nhiều bạn sẽ hỏi ngay: Chữ mà có ý chí sao? Đúng vậy. Người xưa cho rằng, người viết chữ (Hán) đẹp sẽ có những dấu hiệu được biểu đạt trên 1 con chữ mà người đó viết ra.

Như trên đã nói, chữ Hán được bố cục trong một hình vuông nên ai có thể sắp xếp các nét trong chữ Hán vào một trật tự hình vuông thì đó là người tài giỏi, có “hoa tay”, có khả năng “tề thiên hạ”.

Các bạn lại hỏi: Ý chí trong chữ Hán ở đâu? Xin thưa: Ở 1 số quy tắc cơ bản:

- Từng nét đều thể hiện được sự khống chế của nét bút: Khởi, Miết, Kết, Thu, Phóng. Đây là khả năng kiềm chế điều khiển của người viết.

- Trong thực tế, nét Ngang không hẳn là ngang. Nét Phẩy không hẳn chỉ phẩy, nét Chấm cũng không hẳn là chấm, nhưng nét Sổ thì bắt buộc phải vuông góc. Chỉ khi đạt được sự vuông góc mới được người xem đánh giá người viết có tính cách ngay ngắn, đàng hoàng hay nghiêng ngửa tà vạy…

- Việc bố cục các nét phải nắm vững tính chất và hình dáng của từng nét để thể hiện chung trong một bố cục tổng thể của chữ Hán. Ví dụ: Các nét ngang thì phải song song và tương đối cách đều nhau. Một số nét có thể tùy biến nếu trong không gian hẹp như phẩy và mác chuyển thành 2 chấm.

- Việc thể hiện các nét phải biểu đạt sự dứt khoát, không run rẩy, ngập ngừng hay sửa chữa…

3.     Về tổng thể

Một chữ Hán chỉ có thể trở thành tác phẩm khi nó được đặt trong một tổng thể nhất quán theo ý chí của tác giả. Một chữ đẹp không có nghĩa là 1 câu đẹp, 1 câu đẹp không có nghĩa là 1 bài thờ, 1 bài từ đẹp… Để đạt được tổng thể hài hòa, nổi bật bố cục và ý chí của người viết là rất khó khăn và rất ít người đạt đến…

Vậy, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

1.   Tình yêu với chữ Hán là vô bờ bến. Ta không thể viết chữ Hán đẹp mà không yêu chữ Hán, và cũng khó nhanh tiến bộ nếu không phát hiện ra sự phát triển của chữ Hán trong cuộc sống của chính nó.

2.   Tập quan sát mẫu chữ với những phân tích xác đáng của thầy hướng dẫn. Từ đơn giản đến phức tạp.

3.   Luyện tập các nét cơ bản từ dễ đến khó, nhất là cách sử dụng cây bút cho thuần thục.

4.   Không sợ sai, không xấu hổ vì chưa đạt được yêu cầu. Các bạn nên nhớ, mọi kĩ năng đều bắt đầu từ sự chuyên cần.

5.   Dám hỏi và dám khoe thành phẩm của mình cho bạn, cho thầy và cho xã hội. Chỉ trong quá trình trau dồi như vậy thì mới có thể tiến bộ trong viết chữ Hán.

Thay lời kết, nếu xét từ góc độ 1 con chữ, các bạn phải nhớ rằng chúng ta “viết” chữ, không phải “tô” chữ…. Sự khác biệt giữa 2 khái niệm này là mục đích dùng chữ để ghi nhận tư duy mà không phải là sự thể hiện nét sao cho giống… Chỉ khi nắm bắt được điều đó thì mới có thể tiếp cận chữ Hán một cách nhanh chóng và thuần thục, từ sự chỉnh thể sẽ phát sinh tình yêu với chữ Hán, giảm sự nhàm chán hoặc hoảng sợ trong những giờ học tiếng Trung Quốc trên lớp.

Chúc các bạn nhanh chóng làm chủ được chữ Hán.

NVN – 2023

ThS. NCVC Nguyễn Văn Nguyên